Xin Chào Thiếu Tướng Đại Nhân

Chương 234 : Người so với người lại khiến người ta tức chết (5)


Editor: Nguyetmai

“Đúng vậy…” Tống Cẩm Ninh nói xong mới cảm thấy hơi ngại ngùng căn dặn Hoắc Thiệu Hằng: “Việc này con biết là được rồi, đừng nói ra ngoài làm gì. Tuy bác trai con không còn nữa nhưng bác gái con vẫn còn, còn cả em họ con nữa. Nếu để họ biết, trong lòng họ cũng không dễ chịu chút nào, hơn nữa mình cũng không nên nói này nọ sau lưng người khác. Tuy Bạch Cẩn Nghi yêu thầm bác trai con nhưng không dám làm gì quá đáng, cô ta là người rất sĩ diện, sẽ không vứt hết mặt mũi để công khai làm ầm chuyện này lên. Cho nên, dù con có biết cũng hãy coi như không biết là được.”

Hoắc Thiệu Hằng không biết đáp thế nào nữa.

Nghe bà nói đến đây, anh giơ tay lên day trán suy nghĩ một lúc cuối cùng đành nói: “… Bác gái đã không còn nữa rồi.”

Tống Cẩm Ninh ngây ngẩn cả người.

Bà chớp chớp đôi mắt mông lung mờ ảo của mình, nhìn chằm chằm Hoắc Thiệu Hằng, “Không còn nữa ư? Không còn nữa tức là sao?… Tái giá rồi à?”

Nếu bác trai Hoắc Quan Nguyên của Hoắc Thiệu Hằng đã mất từ mười sáu năm trước thì sau này vợ ông ta tái giá cũng là chuyện hợp tình hợp lý.

Dù sao người chết cũng đã chết rồi, nhưng người ở lại thì vẫn phải sống tiếp. Thời đại bây giờ, phụ nữ đã không cần phải thủ tiết cả đời vì chồng nữa.

“Không, mười năm trước bác ấy đã tự sát rồi.”

Hoắc Thiệu Hằng có hơi mất tự nhiên kéo cái ghế mềm đang ngồi.

Không chỉ có vậy, nguyên nhân trực tiếp khiến bác gái tự sát lại có liên đến Tống Cẩm Ninh, hoặc chính xác hơn là bọn họ đều cho rằng có liên quan đến bà. Còn có cả những bức thư tình kia nữa…

“… Nhưng những bức thư tình này rất quan trọng. Chuyện bác gái tự sát, còn cả việc bố ly hôn với mẹ nữa, tất cả đều là vì những bức thư tình đó. Bởi vì những bức thư đó của bác trai được viết cho mẹ. Mà mẹ cũng đã đáp lại bác ấy một bức thư, viết “Trả châu mắt lệ ròng ròng, hận rằng không gặp khi còn thơ ngây”.” Hoắc Thiệu Hằng nói xong liền móc bức thư ghi tên người gửi Tống Cẩm Ninh ra đặt trước mặt bà.

“Cái gì?” Tống Cẩm Ninh nghe mà đỏ cả vành tai, đơn thuần là đỏ vì quá tức giận mà ra, “Nói nhăng nói cuội! Đây là phỉ báng! Mẹ phải kiện bọn họ! Là ai nói như thế? Mẹ phải tìm luật sư giỏi nhất để kiện bọn họ tội phỉ báng! Mẹ phải bắt bọn họ ngồi tù.”

Hai tay bà run rẩy nhận lấy bức thư trong tay Hoắc Thiệu Hằng. Vừa nhìn nét chữ trên bức thư, trong đầu bà lập tức vang lên những tiếng ù ù ù ù giống như có hàng nghìn hàng vạn con ong đang bay trong đó, đập cánh vo vo khiến bà gần như không nghe thấy gì được nữa.

Nét chữ trên bức thư đó rõ ràng là nét chữ của bà. Nhưng sao bà lại không hề nhớ mình đã viết mấy câu này vào lúc nào chứ.

“Sao có thể như vậy được? Sao lại có thể như vậy? Bức thư này đến tên người nhận cũng không có thì sao có thể chứng minh là mẹ viết cho bác trai con được?” Tống Cẩm Ninh tức đến mức thở hổn hển, bà tự vuốt ngực mình cho dễ thở, vô cùng khó chịu nói: “Từ nhỏ mẹ đã không thích thơ từ ca phú mà chỉ thích các con số. Ai mà giỏi như vậy, lại có thể khiến mẹ viết được mấy thứ buồn nôn như thế này?”

“Mẹ… Cái này thật sự là do mẹ viết à?”

Hoắc Thiệu Hằng nhướng mày nhìn Tống Cẩm Ninh, cực kì nhạy cảm nắm bắt đúng trọng tâm.

Bởi vì Tống Cẩm Ninh không hề phủ nhận tính chân thực của bức thư này mà chỉ nói bản thân bà không biết mấy câu thơ ấy, là người khác khiến bà viết…

“Nếu mẹ nói không thì chuyên gia giám định chữ viết chắc chắn sẽ nói mẹ nói dối.” Tống Cẩm Ninh đè nén cơn tức giận, “Nhưng mẹ muốn nói là, cho dù mấy câu này có là do mẹ viết thì cũng không thể chứng minh cái gì. Thật quá nực cười! Bố con chỉ vì nhìn thấy một bức thư như thế này mà ly hôn với mẹ ư? Là như vậy à? Chỉ vì một câu như vậy mà ông ấy cho rằng mẹ ngoại tình sao?”

“… Cái đó thì con cũng không rõ lắm.” Cho dù sức chịu đựng trong tâm lý của Hoắc Thiệu Hằng có mạnh mẽ bao nhiêu thì lúc này đứng trước chuyện riêng tư của bố mẹ, anh cũng vẫn không cáng đáng nổi nữa. Anh đứng dậy, nói: “Mẹ, con ra ngoài trước đây. Mẹ ở một mình cũng buồn, hay con gọi Niệm Chi đến nói chuyện với mẹ nhé?”


Tip: Bạn có thể sử dụng các phím bàn phím trái, phải hoặc nút A và D để duyệt giữa các chương.