Hơn 7 năm rồi tôi mới quay lại Hà Nội, thời tiết tháng 11 lạnh cắt da cắt thịt nhưng đối với tôi vẫn chẳng thấm vào đâu. Vì suốt 7 năm qua tôi sống và làm việc ở Ottawa – Canada, một trong những thành phố lạnh nhất thế giới. Tuyết thường phủ trắng trên những ngọn cây phong lá đỏ cao chót vót, băng dày kín khắp mọi con đường. Giờ đây tuy đã không còn sợ cái lạnh giá của Hà Nội, nhưng đứng trước ngôi nhà quen thuộc tôi vẫn chần chừ mãi mới dám tiến lên bấm chuông cửa.
Một người phụ nữ ăn mặc khá thời thượng bước ra mở cổng. Người này không ai khác chính là bà Hồng – mẹ kế của tôi. Vừa nhìn thấy tôi, khuôn mặt bà ta đã vội cau lại rồi lắp bắp:
– M…ày…
Tôi không đáp lời mà lướt qua bà Hồng như không khí. Một người phụ nữ tâm cơ đen tối tìm đủ mọi cách phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác, vốn dĩ không đáng được tôn trọng. Bên trong phòng khách, trên chiếc ghế sofa da Ý đắt tiền bố tôi đang ung dung ngồi đọc báo. Hơn 7 năm qua đây là lần đầu tiên tôi gặp lại ông ấy nhưng cũng chẳng mấy xúc động, miệng thốt ra vài từ đơn giản:
– Con chào bố.
Bố tôi đặt quyển sách trên tay xuống bàn, giọng điệu trầm ổn không rõ vui buồn:
– Về rồi à?
Tôi còn chưa kịp trả lời, mẹ kế đã từ ngoài cửa bước vào mỉm cười giả lả:
– Linh đi đường mệt lắm không? Sao về đến nơi không gọi điện cho mẹ, để mẹ bảo tài xế ra đón? Ngồi xe nhà vẫn thoải mái hơn chứ con?
Đối diện với nụ cười chướng tai gai mắt của bà Hồng, tôi không giấu nổi nỗi bực dọc trong lòng. Lời nói cũng trở nên nặng nề hơn:
– Bà trở thành mẹ tôi từ bao giờ vậy?
– Sao con lại nói thế? 7 năm qua con vẫn chưa chịu chấp nhận mẹ sao?
Tôi khẽ nhếch môi đầy giễu cợt:
– Bà thôi diễn đi được không?
– Mẹ không diễn gì cả. Mẹ và bố con đã kết hôn với nhau 7 năm, tuy con không chấp nhận mẹ nhưng mẹ luôn coi con là con gái mình. Mẹ…
Mấy giọt nước mắt giả tạo của bà Hồng bắt đầu tràn qua khóe mi, khiến bố tôi không thể ngồi yên. Ông ấy lạnh lùng bảo:
– Con ăn nói cho cẩn thận, đi du học bên nước ngoài chứ không phải từ trại tị nạn về mà cư xử như đứa vô văn hóa thế.
Nhìn người đàn ông trung niên trước mặt mà tôi không biết phải nói gì, có chút ấm ức, có chút hờn dỗi trong lòng. Rồi tự nhiên lại cảm thấy xa lạ với chính người bố đẻ ra mình. Tôi cay đắng nói:
– Vậy bố cũng đừng tốn công bắt con gọi bà ta là mẹ.
– Được rồi. Không nói chuyện này nữa. Con lên phòng đi.
Cho đến giây phút này lòng tôi thực sự đã nguội lạnh, nhớ về chuyện cũ gần 8 năm trước. Lúc mẹ tôi vật lộn chiến đấu từng ngày với căn bệnh ung thư vòm họng ở giai đoạn cuối, bố lại cùng người đàn bà kia bồ bịch bên ngoài. Có một lần bà ta tìm đến tận nhà tôi, nói với mẹ tôi rằng bà ta và bố tôi là mối tình đầu của nhau. Vì ông nội không đồng ý mối quan hệ của bọn họ, nên bố tôi buộc phải chia tay bà ta để đến với mẹ tôi theo sự sắp đặt của gia đình. Thế nhưng sau khi bố tôi kết hôn, hai người họ vẫn lén lút qua lại với nhau. Thậm chí còn có cả 2 người con riêng. Cô con gái lớn kém tôi 2 tuổi, con trai thứ hai kém tôi 5 tuổi. Mẹ tôi nghe xong sốc quá, lên cơn đau vật vã rồi cứ thế lịm người ra đi trong tức tưởi. Vậy mà cho đến bây giờ bố tôi vẫn luôn miệng nói, mẹ tôi mất không phải do lỗi của bà Hồng. Bà ta không biết chuyện mẹ tôi bị bệnh, nên mới tìm đến tận nhà tôi thú nhận mọi việc sau đó cầu xin mẹ tha thứ. Mỗi lần nhắc đến chuyện này tôi và bố lại xảy ra cãi vã, nhưng hôm nay vừa mới về nước tôi không muốn không khí trong nhà thêm phần căng thẳng đành quay người xách vali lên phòng.
Căn phòng ngày trước tôi ở giờ đã chuyển thành phòng riêng của Thanh. Cô ta chính là con gái riêng của bố tôi và bà Hồng. Tôi và cô ta vốn không ưa gì nhau, để tránh xảy ra cãi vã tôi tự mang vali quần áo của mình sang phòng đối diện. Chỉ tiếc oan gia ngõ hẹp, không biết trùng hợp kiểu gì mà đúng lúc cửa phòng Thanh lại mở toang ra.
Cô ta trừng mắt nhìn chằm chằm vào người tôi vài giây, rồi buông lời rác rưởi:
– Mày biết đường mò về rồi đấy à? Tao tưởng mày chế t mất xác bên Canada rồi.
Ngồi trên máy bay gần 20 tiếng đồng hồ cả người tôi mỏi nhừ đau nhức. Lại vừa trải qua cuộc nói chuyện không mấy vui vẻ với bố, sức lực trong người sớm đã cạn kiệt không muốn mất thêm thời gian với loại người như Thanh nên tôi tảng lờ coi như điếc, chân vẫn bước về phía trước. Thanh thấy thế nổi cơn điên chạy đến giữ chặt cửa phòng tôi, lảm nhảm không ngừng:
– Mày nghĩ mày vẫn là đại tiểu thư của cái nhà này hả? Quên đi. Giờ mày không khác gì con ăn nhờ ở đậu đâu, đừng tỏ vẻ kênh kiệu với tao. Mẹ mày thua thảm hại dưới tay mẹ tao, sớm hay muộn mày cũng thua thảm hại dưới tay tao . Nếu không muốn bị tao dẫm đạp dưới chân như con kiến, thì mau biến về Canada đi. Ngôi nhà này tuy rộng nhưng không bao giờ có chỗ thừa cho mày.
Đúng là cây muốn lặng gió chẳng muốn đừng. Người không biết phải trái đúng sai, lúc nào cũng coi mình là cái rốn của vũ trụ như Thanh cứ phải dạy cho một bài học nhớ đời.
Tôi hừ lạnh chậm rãi bảo:
– Mày bảo mẹ tao thua thảm hại dưới tay mẹ mày á? 12 cặp dây thần kinh sọ não của mày, có rơi rụng đi cặp nào không mà mày ảo tưởng nặng thế?
– Mày đừng có đánh trống lảng. Tao nói trúng tim đen nên mày nhột chứ gì? Mẹ mày là người gây dựng sự nghiệp cùng bố, nhưng mẹ con tao mới là người được hưởng thành quả của cái sự nghiệp đấy.
– Mày nghĩ thế thật à?
– Ừ đấy. Nếu trách chỉ trách mẹ mày ngu thôi.
Ngay từ đầu tôi đã không có ý định chửi nhau với Thanh, nhưng đến đây cô ta quá lắm rồi. Tôi không thể nhịn được nữa đành gằn giọng quát:
– Mày còn dám động đến mẹ tao thì đừng trách tao vặn răng mày.
– Mày dám à?
– Dám hay không mày cứ thử là biết ngay.
– Mày…
Thanh á khẩu không nói thêm được nửa từ. Tuy tôi sống bên Canada 7 năm, nhưng vốn tiếng Việt của tôi vẫn còn nhiều lắm. Tôi không muốn phí thêm nước bọt với Thanh, nên dứt khoát đẩy cô ta sang một bên rồi kéo vali vào phòng đóng chặt cửa lại.
Hơn 7 năm trước tôi còn quá trẻ, suy nghĩ non dại mới bị bà Hồng và Thanh tìm cách đẩy sang Canada du học. Chứ lần này trở về Việt Nam, tôi nhất định đòi lại công bằng cho mẹ. Tối hôm đó ăn cơm xong, tôi lên phòng chơi điện thoại được một lúc thì nhớ tới con bạn thân nhất tên Giang. Chuyện hôm nay tôi về nước, Giang vẫn chưa biết. Giờ cũng đến lúc gọi điện thông báo cho nó rồi:
– Alo. Mày đang ở đâu đấy?
– Tao mới chia tay người yêu, đang ở bar uống rượu một mình. Thằng cờ hó đấy dám cắm lên đầu tao cái sừng dài như cái sào, gần một năm nay mà tao không biết gì. Đến tối qua mới phát hiện ra.
– Nó có giải thích gì không?
– Nó bảo tại con kia dụ dỗ chứ vẫn còn yêu tao. Nếu tao chịu bỏ qua thì nó sẵn sàng cắt đứt mọi mối liên hệ với con kia nhưng tao chẳng cần. Cái loại đã phản bội mình một lần sẽ có lần thứ 2, thứ 3. Tốt nhất đường ai nấy đi cho khoẻ.
Tôi gật đầu đồng tình:
– Ừ. Mày nghĩ thế là đúng đấy.
– Giờ tao chỉ ước mày ở Việt Nam, hai đứa đi uống một trận đã đời rồi quên hết mọi thứ đi.
Bạn trai con Giang tên Quốc. Hai người họ yêu nhau cũng gần 3 năm nay rồi. Ngày trước khi hắn ta mới bắt đầu khởi nghiệp, con Giang phải nhờ bố nó giúp đỡ hắn rất nhiều. Vậy mà bây giờ đổi lại kết cục này?
Ông Trời thật không công bằng. Tôi thở dài bảo nó:
– Mày đọc địa chỉ quán bar đi. Tao đến uống rượu với mày.
– Mày lừa ai đấy? Tao chưa say đâu. Từ Canada về Việt Nam ít cũng phải 18 tiếng. Mày có mọc thêm cánh, cũng không về uống rượu với tao được.
– Tao vừa về Việt Nam chiều nay.
Chưa kịp nói hết câu, đầu dây bên kia con Giang đã gào ầm lên:
– Sao giờ mày mới nói?
– Tao định tạo bất ngờ cho mày. Ai ngờ vớ trúng hôm mày bị cắm sừng.
– Ừ. Để tao nhắn địa chỉ cho.
Nói rồi con Giang tắt điện thoại, nhắn địa chỉ quán bar cho tôi. Thay quần áo xong tôi cũng gọi taxi đi luôn. Xe chạy ngoài đường tầm 20 phút là tới trước cửa quán bar. Bước vào bên trong tiếng nhạc sập sình, cộng thêm ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy không ngừng làm tôi khẽ nhăn mày lại. Đảo ánh mắt nhìn khắp quán bar một lượt. Tôi đi nhanh tới bàn trong góc quầy. Con Giang ngồi đó uống hết ly này đến ly khác. Trên bàn vỏ mấy chai rượu đang nằm lăn lóc. Nhìn thấy tôi nó cố vẽ ra một nụ cười méo xệch:
– Mày đến rồi đấy à? Nguồi xuống uống đi. Hôm nay không say không về.
Tôi cầm chai rượu đã vơi một nửa trong tay con Giang tự rót cho mình một ly, xong ngửa đầu một hơi uống cạn. Vị rượu cay nồng chảy xuống cổ họng tôi bỏng rát. Con Giang thấy tôi uống ly đầu tiên dứt khoát như thế, lại rót thêm cho tôi một ly nữa:
– Tối nay tao nhất định phải quên bằng được thằng cặn bã kia.
– Ừ.
– Nếu nó không còn yêu tao, chỉ cần nói với tao một câu là xong chuyện. Đằng này lại biến tao thành con bù nhìn, để nó xỏ mũi cả gần năm nay. Tao đúng là ngu quá mà.
Uống thêm vài ly, đầu óc tôi bắt đầu cảm thấy choáng váng. Con Giang gục hẳn xuống bàn khóc tu tu như một đứa trẻ. Nói sao thì tình cảm của nó với tên Quốc, cũng không thể dùng một lời nói hay vài ly rượu là cắt đứt luôn được. Tôi thở dài đứng dậy đi thanh toán tiền rượu. Xong xuôi đâu đấy, hai đứa loạng choạng đỡ nhau rời khỏi quán bar. Trong lúc đứng chờ xe taxi, con Giang không may bị một người đàn ông va trúng. Cả tôi và nó còn chưa kịp phản ứng gì. Hắn ta đã chửi um lên:
– M ẹ chúng mày, mắt mũi để trên trán hết à?
Nghe cái giọng lè nhè của hắn, chắc cũng say lắm rồi. Đã gần 11 giờ đêm tôi không muốn gây thêm phiền phức cầm tay kéo con Giang đi trước. Ai ngờ hắn ta không cho. Còn đứng chắn ngay trước mặt bọn tôi quát tháo:
– Chúng mày định đi đâu? Va phải tao không xin lỗi muốn bỏ chạy à? Làm gì có chuyện dễ dàng như thế?
Con Giang tuy say nhưng vẫn biết ai đúng ai sai. Nó giằng tay ra rồi nói:
– Là anh va vào tôi trước đấy.
Người đàn ông kia mặt mũi đỏ phừng phừng, giơ tay tát con Giang một phát. Mặc dù tôi đã rất cảnh giác nhưng vẫn không đỡ kịp. Má con Giang đỏ ửng. Tôi nóng máu đẩy hắn ta sang một bên rồi gắt:
– Anh làm gì vậy?
Hai mắt tên đó long sòng sọc định lao vào tát tôi như tát con Giang, nhưng nước đi này hắn sai ngay từ đầu rồi. Ngày trước tôi từng học qua taekwondo. Tuy chưa thi lên đai đen nhưng xử lí một tên say rượu không vấn đề gì. Tôi đợi hắn đến gần, nhân cơ hội vặn ngược tay hắn ra đằng sau. Bị tôi ra đòn bất ngờ hắn đau quá gào lên chửi:
– Con ranh con. Mày dám đánh tao à? Mày biết tao là ai không? Thả tao ra.
– Anh muốn tôi thả ra thì xin lỗi bạn tôi trước đi. Anh va vào nó, còn ra tay đánh nó. Thử hỏi ai là người sai?
– Tao chẳng phải xin lỗi bố con thằng nào hết. Mày có giỏi đứng yên đây, lát mấy thằng em tao ra mày nhừ đòn con ạ.
Vừa dứt lời có bốn người đàn ông từ trong quán bar bước ra. Tên nào tên đấy xăm trổ đầy mình, lừ lừ tiến về phía tôi. Một tên trong số đó trợn ngược mắt quát:
– Con kia. Bỏ đại ca tao ra ngay.
– Là đại ca các anh va phải bạn tôi, còn ra tay đánh người. Chúng tôi chỉ tự vệ chính đáng thôi.
Không nghe tôi giải thích, hắn gầm gừ:
– Tao không cần biết ai đúng ai sai. Bây giờ tao chỉ hỏi mày một câu. Mày có thả đại ca tao ra không thì bảo?
– Tôi không thả. Trừ khi đại ca các anh xin lỗi bạn tôi.
– Mày giỏi. Rượu mừng không uống thích uống rượu phạt đúng không?
Nói xong, hắn phất tay ra hiệu cho hai tên hùng hổ lao tới tóm chặt con Giang. Nó vùng vẫy muốn thoát ra nhưng không thoát được, còn bị ăn thêm hai phát vả. Tôi đứng bên này chỉ biết nói:
– Các anh làm gì vậy? Sao lại đánh bạn tôi?
– Tao thích đánh đấy, mày làm gì được tao? Giờ tao đếm từ 1 đến 3, mày vẫn không chịu thả đại ca tao ra thì đừng có trách.
Con Giang đang ở trong tay bọn chúng tôi không dám làm bừa. Vì thế mà nghe hắn đếm đến 2, tôi đã phải thả người. Vừa lấy lại tự do tên say rượu lệnh cho đàn em xông tới giữ chặt hai tay tôi. Lúc tôi không còn phản kháng được nữa. Hắn cầm tóc tôi giật ngược ra đằng sau:
– Mày bố láo bố toét nữa đi. Vắt mũi chưa sạch đòi ra xã hội thể hiện à? Tao cho mày biết hai chữ thể hiện viết thế nào nhé.
Dứt lời hắn nhếch môi cười đểu giả:
– Cái mặt nhìn cũng tàm tạm đấy. Hay là tao cho mày cơ hội phục vụ tao đêm nay, rồi tao xí xóa mọi chuyện cho.
Tôi ngước đôi mắt căm phẫn của mình lên nhìn hắn, miệng khinh thường nhả ra ba chữ:
– Đừng có mơ.
Hắn bị tôi làm bẽ mặt hết lần này đến lần khác, cuối cùng tức quá đưa tay bóp chặt cổ tôi:
– Từ trước đến giờ không có đứa nào dám ăn nói với tao thế đâu.
Vừa nói hắn vừa tăng thêm lực ở bàn tay khiến cổ họng tôi nghẹn cứng. Hô hấp vì thế mà trở nên khó khăn. Có khi nào hắn muốn giết tôi thật không? Tinh thần tôi bắt đầu hoảng loạn. Trong lúc còn mơ màng suy nghĩ linh tinh, chợt nghe tiếng động cơ xe vừa tắt. Sau đó tên bóp cổ tôi lãnh trọn một quyền mạnh như vũ bão vào giữa mặt. Người loạng choạng suýt ngã, phải bỏ tay khỏi cổ tôi.
Sau khi lấy lại được thăng bằng, hắn mới to mồm chửi:
– Thằng ôn con kia. Mày là thằng nào mà dám xen vào chuyện của tao?
Người đàn ông vừa đến chẳng nói chẳng rằng lừ lừ tiến lên cho hắn thêm một quyền. Lần này hắn không may mắn như lần trước, nên bị ngã lăn ra đất. Mấy tên đàn em thấy thế vội lao tới tấn công người đàn ông kia. Nhưng anh ta cũng không phải dạng tầm thường, quay đi quay lại chỉ vài động tác đơn giản đã kịp thời tóm cổ tên say rượu vả cho hắn vài cái nổ đom đóm mắt:
– Chúng mày uống rượu say không biết đường biến về nhà, còn đàn đúm gây chuyện đúng không?
– Liên quan gì đến mày?
– Không liên quan, nhưng tao ngứa mắt.
– Tao cảnh cáo mày biết điều thì thả tao ra. Nếu không mày không sống yên ở cái đất này đâu.
– Thế à? Vậy để tao cho mày biết tao có sống yên ở cái đất này không nhé.
Bọn họ lao vào đấm đá nhau không ngừng. Sau đó tôi nghe một tiếng va đập rất mạnh, theo phản xạ ngẩng đầu lên nhìn về phía người đàn ông kia. Hình như anh ta vừa bị một tên du côn đập thanh gỗ vào đầu. Máu trên trán anh ta bắt đầu chảy xuống, tim tôi muốn nhảy ra ngoài. Cũng may đúng lúc chủ quán bar dẫn bảo vệ chạy ra can ngăn. Bọn họ lôi mấy tên du côn sang một bên. Anh chủ quán nở nụ cười khá thân thiết với người đàn ông vừa bị tên du côn đập thanh gỗ vào đầu:
– Mới đến à? Sao chưa gì đã định phá quán của tao rồi.
– Quán mày chấp chứa mấy thằng nhãi con kia từ bao giờ vậy?
– Thế chúng nó trêu chọc gì mày?
– Không trêu gì, nhưng tao ngứa mắt. Mày ra đây rồi tự xử lý đi.
Giọng nói quen thuộc của ai đó ăn sâu vào tâm trí tôi. Nó như một vết sẹo dài ngoằn nghèo, mà mỗi lần trời trở gió lại nhói lên đầy đau đớn. Người đàn ông này khiến tôi nhớ nhung điên dại đầu óc, cồn cào ruột gan suốt mấy năm qua. Chủ quán hết nhìn anh ta rồi lại nhìn sang tôi. Hình như cũng hiểu được chút vấn đề, vung tay tát mạnh vào má tên say rượu rồi gằn giọng:
– Mày muốn làm loạn chỗ tao à?
– Dạ không. Chuyện vừa nãy chỉ là hiểu nhầm thôi. Em mắt mù nên mới đánh nhau với bạn anh. Chúng em biết lỗi rồi. Xin anh bỏ qua cho chúng em lần này.
– Biết vậy còn không mau xin lỗi người ta đi. Mẹ mày. Lần sau còn láo lếu cợt nhả tao đánh gãy chân. Chứ không đơn giản như này đâu.
– Vâng. Vâng.
Tên say rượu thấy thái độ của anh chủ quán với Dương thân thiết như thế, thì khúm núm như một đứa trẻ vừa mới phạm lỗi đang bị bố mẹ trách phạt. Hắn tiến lên vài bước lí nhí nói xin lỗi tôi. Nói qua nói lại một hồi, mọi chuyện cuối cùng cũng được giải quyết đâu ra đấy. Nhưng nhìn máu trên trán Dương chảy xuống không ngừng, tôi càng thêm sốt ruột. Muốn cất lời hỏi thăm anh ta vài câu, mà chần chừ mãi vẫn không dám. Dương đảo mắt liếc qua người tôi một cái, rồi lạnh lùng quay lưng đi về phía chiếc xe Ferrari màu đen của mình. Sau đó tôi gọi điện cho em gái con Giang đến đón nó về nhà. Đợi hai chị em nó rời đi. Tôi đưa mắt nhìn sang bên kia đường. Thấy xe của Dương vẫn còn ở nguyên đó. Anh ta bị thương là do tôi nên ít nhất cũng phải nói một lời cảm ơn đàng hoàng. Tôi hít vào một hơi thật sâu lấy hết can đảm đi tới, gõ nhẹ lên cửa kính xe vài cái.
Dương nghe tiếng động ngoái đầu nhìn tôi xong ấn cửa kính xuống:
– Chuyện gì?
– Tôi…cảm ơn…cảm ơn anh.
Anh ta hừ lạnh một tiếng, môi mỏng khẽ nhếch lên một đường cong đẹp đẽ:
– Tôi thích đánh nhau chứ không phải vì cô. Đừng ảo tưởng.
Tôi á khẩu, mãi sau mới lắp bắp hỏi được một câu:
– Vết thương trên trán anh sao rồi?
– Không chết được. Cô khỏi lo.
– Tôi thấy chảy nhiều máu lắm, có cần đi bệnh viện không? Tôi đi cùng anh.
– Nói xong chưa?
– À xong rồi.
– Xong rồi thì tránh ra cho tôi đi.
– Nhưng…
– Tránh ra. Cô đừng quên ngày trước cô từng nói, nếu sau này cô và tôi có vô tình gặp lại nhau cứ coi như không quen biết.